Sword Master - Thần kiếm (tựa gốc: Tam Thiếu Gia đích kiếm) là tác phẩm điện ảnh kiếm hiệp do đạo diễn Nhĩ Đông Thăng thực hiện, được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn lừng danh Cổ Long.
Đây có thể coi là cơ duyên hiếm gặp của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng. Cách đây gần 40 năm, ông là người sắm vai chính Tam Thiếu Gia trong tác phẩm điện ảnh đầu tiên chuyển thể cũng từ bộ tiểu thuyết do hãng Thiệu Thị thực hiện.
Từ những gợi ý trên bàn rượu của Cổ Long
Theo lời Nhĩ Đông Thăng, nhiều năm trước, nhà làm phim từng uống rượu với Cổ Long. Rượu vào, Cổ Long kể cho ông nghe một Tam Thiếu Gia đích kiếm khác, đậm đà tình ý hơn, cũng có anh hùng tương kính, ái hận tình thù, nhi nữ giang hồ… Câu chuyện ly kỳ ấy thực sự khiến Nhĩ Đông Thăng phấn khích.
Kể từ khi chuyển sang làm đạo diễn, họ Nhĩ luôn nung nấu ý định thực hiện phim điện ảnh dựa trên câu chuyện mà ông được Cổ Long kể cho nghe. Sau nhiều năm, ước mơ đó rốt cuộc mới trở thành sự thật, với sự hỗ trợ của công nghệ điện ảnh hiện đại.
Nội dung chính của Tam Thiếu Gia đích kiếm phiên bản 2016 hầu như không thay đổi nhiều so với nguyên tác tiểu thuyết của Cổ Long. Tất cả vẫn xoay quanh nhân vật Tam Thiếu Gia (Lâm Canh Tân) - một đại truyền kỳ võ lâm với kiếm pháp vô địch thiên hạ. Quá mệt mỏi vì thế sự, chàng quyết định rũ bỏ tất cả, biến mất khỏi chốn giang hồ để trở thành kẻ vô danh.
Nhưng thế sự xoay vần không ngừng nghỉ. Dù cho Tam Thiếu Gia có muốn trốn tránh thế nào đi nữa, chàng vẫn bị gắn chặt với những ân oán tình thù mãi không dứt do chính bản thân tạo ra trước kia.
Đó là trận quyết chiến định mệnh với kiếm khách kiêm sát thủ độc nhất vô nhị Yến Thập Tam (Hà Nhuận Đông), hay mối tình đầy bi hận với đại tiểu thư của Thất tinh đường là Mộ Dung Thu Địch (Giang Nhất Yến), mối lương duyên với gia đình cô bé kỹ nữ Tiểu Lệ (Tưởng Mộng Tiệp).
Trên thực tế, độc giả của nguyên tác tiểu thuyết là nhóm khán giả mong chờ Tam Thiếu Gia đích kiếm bản điện ảnh 2016 nhất. Tuy tiểu thuyết đã dày công tập trung xây dựng hình tượng Tam Thiếu Gia đầy chất huyền thoại, với danh tiếng lẫy lừng và võ công cái thế vô song, nhưng vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ mà độc giả chưa thể nắm rõ.
Liệu nguyên nhân nào khiến Tam Thiếu Gia thất chí đến mức phải vứt bỏ tất cả, cũng như câu chuyện về Yến Thập Tam từ sau khi mất đi đối thủ định mệnh của cuộc đời mình?
Trên thực tế, phiên bản điện ảnh ra mắt hồi 1977 vẫn chưa đưa ra những câu trả lời thỏa đáng nên người hâm mộ rất kỳ vọng vào bản phim mới năm 2016 của Nhĩ Đông Thăng.
Cố gắng sáng tạo của Nhĩ Đông Thăng
Ở bản phim 2016, Sword Master "Thần Kiếm" có phần mở đầu khá ấn tượng, với hai trận chiến chớp nhoáng, đẹp mắt, và lời thoại đậm chất Cổ Long. Tất cả giới thiệu đến cho khán giả kiếm khách bí ẩn với gương mặt tà dị Yến Thập Tam, cùng đại tiểu thư đang chất chứa mối hận tình không thể tha thứ là Mộ Dung Thu Địch.
Tuy nhiên, phần giới thiệu nhân vật diễn ra khá nhanh và gấp gáp, khiến khán giả đại chúng chưa từng biết nguyên tác hay bản phim 1977 sẽ cảm thấy có phần chưng hửng, bởi họ không có nền tảng rõ ràng để nắm bắt nhân vật và diễn biến ban đầu của bộ phim.
Càng về sau, các nhân vật chính cùng những sự kiện liên quan càng được khai thác sâu và làm rõ hơn. Quá khứ mỗi nhân vật được bóc tách, để lộ ra chuyện đời thầm kín và bản chất mà mỗi người bọn họ luôn giữ kín bên trong. Lúc này, tiết tấu của bộ phim dần ổn định và dễ nắm bắt hơn.
Điểm nhấn của Tam Thiếu Gia đích kiếm phiên bản 2016 là những cải biên tích cực mà đạo diễn Nhĩ Đông Thăng mang lại, giúp làm rõ hơn những phần chưa sáng tỏ trong bộ tiểu thuyết gốc cũng như bản phim năm 1977.
Đầu tiên, câu chuyện quá khứ của Tam Thiếu Gia trở nên rõ ràng hơn thông qua các trường đoạn hồi tưởng, giúp khán giả hiểu rõ lý do khiến nhân vật chán ghét thế sự nhiễu nhương, rời xa phân tranh giang hồ.
Tiếp theo là việc mở rộng câu chuyện về Yến Thập Tam. Theo nguyên tác, nhân vật chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian khá ngắn ở đầu và cuối tác phẩm, dù bản thân anh được miêu tả là đối thủ định mệnh của nhân vật chính Tam Thiếu Gia.
Ở phiên bản điện ảnh mới, vai trò cũng như đất diễn của Yến Thập Tam được mở rộng hơn hẳn, không hề thua kém Tam Thiếu Gia. Câu chuyện về Yến Thập Tam diễn ra song song, cho khán giả thấy góc nhìn khác đầy thú vị về nhân vật. Ẩn bên trong vẻ ngoài lạnh lùng tà dị, giết người không chớp mắt là một quá khứ đầy ắp bi thương.
Những điểm trừ đáng tiếc
Tiếc rằng, bên cạnh một số điểm sáng ấy, bộ phim còn tồn tại khá nhiều điểm hạn chế về cách kể truyện. Chuyển thể một tác phẩm đồ sộ với nhiều tình tiết, nhiều nhân vật thành một bộ phim chiếu rạp dài 120 phút khiến Sword Master phải cắt bỏ khá nhiều tuyến nhân vật trong nguyên tác.
Những chi tiết bị lược bỏ khiến việc xây dựng một số nhân vật trở nên thiếu sót. Hậu quả là có nhiều gương mặt xuất hiện mờ nhạt, không có mục đích rõ ràng như Ông chủ lớn hay tổ chức Thiên Tôn bí ẩn. Sự xuất hiện của họ không đóng góp gì nhiều cho cốt truyện, thậm chí còn khiến nội dung chính bị loãng đi.
Không ít chi tiết quan trọng trong phim là điểm nhấn tạo ra xung đột, cao trào cho tác phẩm, nhưng lại chỉ được thực hiện vội vàng. Có cảm giác cái cách mà đạo diễn Nhĩ Đông Thăng chuyển thể bộ tiểu thuyết lên phim còn khá máy móc, dẫn đến việc bộ phim còn thiếu đi sự kịch tính nhất định.
Bản thân mỗi nhân vật cùng mối quan hệ ân oán tình thù giữa họ không được phát triển đồng đều. Bên cạnh những nhân vật được xây dựng tốt, có điểm nhấn đáng nhớ như Yến Thập Tam hay Tiểu Lệ, thì hai nhân vật chính với quá khứ đầy phức tạp là Tam Thiếu Gia và Mộ Dung Thu Địch lại chưa được đầu tư xứng tầm.
Công bằng mà nói, diễn xuất của Lâm Canh Tân và Giang Nhất Yến không tệ nhưng kịch bản dành cho nhân vật của họ chưa đủ chiều sâu. Câu chuyện quá khứ của hai nhân vật tương đối hời hợt nên người xem khó có thể cảm thông với mối hận đầy bi phẫn của Mộ Dung Thu Địch, hay sự phát triển tâm lý của Tam Thiếu Gia.
Với thể loại phim kiếm hiệp, không thể không nhắc đến những trường đoạn hành động đẹp mắt. Có sự hỗ trợ của giám chế bậc thầy Từ Khắc, các pha hành động trong phim tuy không nhiều nhưng để lại ấn tượng mãn nhãn, khắc họa phong cách võ hiệp đầy kỳ ảo trong nguyên tác Cổ Long.
Nhưng toàn bộ phần hình ảnh của bộ phim lại đem đến cảm xúc trái ngược. Rất nhiều địa danh trong tác phẩm như khu đồi hoa mà Yến Thập Tam trú ngụ, hay Thần Kiếm sơn trang bên hồ Lục Thủy đều là kết quả của kỹ xảo điện ảnh và được tạo dựng trong trường quay, chứ không phải ngoài thực địa.
Cảnh phim được thực hiện hậu kỳ cẩn thận hiện lên diễm lệ, mờ ảo và nên thơ. Nhưng không ít cảnh trông còn khá giả tạo, tù túng do bị phụ thuộc vào đạo cụ, kỹ xảo vi tính. Điều đó gây ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm của khán giả.
Dù còn tồn tại nhiều thiếu sót, Sword Master - Thần Kiếm vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng trong việc cách tân để đưa truyền kỳ về Tam Thiếu Gia thêm một lần nữa lên màn ảnh rộng. Nhìn chung, đây là món quà mà các fan của Cổ Long chắc chắn sẽ rất yêu mến và thích thú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét