Không chỉ có kịch bản xuất sắc, thế giới phong phú từ loài người, thần tiên, quái vật, phù thủy, các phim chiếu rạp dưới đây còn sở hữu những cảnh quay siêu đẹp khiến người xem ngất ngây.
1. What Dreams May Come (1998)
Bộ phim kể về vợ chồng Chris và Annie. Niềm hạnh phúc của gia đình họ bỗng chốc tan tành khi một tai nạn ô tô đã cướp đi sinh mạng của 2 con. Nhiều năm sau đó, Chris chết vì một tai nạn khác. Anh được ban đến thiên đường và khám phá ra đó là nơi không giống như anh tưởng tượng. Còn vợ anh Annie, sau những mất mất lớn đã vùi cuộc đời mình trong đau khổ và tuyệt vọng. Từ trên thiên đường nhìn xuống, Chris cũng buồn lòng và quyết định nhảy xuống địa ngục, tìm cách giải thoát linh hồn người vợ khỏi sự đọa đày.
What Dreams May Come mang một câu chuyện buồn thảm nhưng chứa đựng hình ảnh tươi sáng, kỳ ảo đầy cuốn hút. Một bộ phim hòa trộn tinh tế giữa điện ảnh với mỹ thuật. Mỗi khung cảnh được ví như một bức tranh về thế giới. Các chi tiết tượng hình vừa nên thơ, vừa mang ý nghĩa tâm linh được sử dụng khéo léo khiến What Dreams May Come trở thành tác phẩm nghệ thuật lớn.
2. Alice in Wonderland (2010)
Alice in Wonderland là câu chuyện phiêu lưu nổi tiếng đã đồng hành cùng tuổi thơ của nhiều thế hệ. Tác phẩm đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim, trong đó phải kể đến bộ phim hoạt hình về xứ sở thần tiên của Walt Disney ra đời vào năm 1951. Năm 2010, xứ sở thần tiên Wonderland lại một lần nữa được tái hiện sống động với công nghệ 3D trong bộ phim Alice in Wonderland của đạo diễn lừng danh Tim Burton.
Phim của Tim Burton là phần sáng tạo tiếp theo của cốt truyện chứ không dựa trên tác phẩm gốc. Trong phim, Alice đã mười chín tuổi. Cô được gọi trở về Xứ sở thần tiên Underland – nơi mà cô đã từng ghé thăm lúc 3 tuổi, để giải cứu nơi này thoát khỏi sự thống trị độc ác của Nữ hoàng Đỏ đúng như “lời tiên tri” về sứ mệnh của mình. Ngoài motif giàu tính nhân văn: người anh hùng đứng lên chống lại cái ác, trả lại sự bình yên cho một vùng đất, Alice in Wonderland còn cuốn hút người xem bởi kỹ xảo và các hình ảnh, chi tiết vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó, tạo hình nhân vật Mad Hatter quái dị, Nữ Hoàng Trắng (Anne Hathaway) yểu điệu, đặc biệt là Nữ Hoàng Đỏ (Helena Bonham Carter) với đầu to gấp 3 lần bình thường và giọng nói the thé đanh thép cũng khiến người xem thích thú.
3. The Jungle Book (2016)
Một cậu bé bị bỏ rơi trong rừng, được báo đen tốt bụng Bagheera đem về cho bầy sói nuôi dưỡng. Cậu bé được đặt tên Mowgli cứ thế lớn lên, sống và học hỏi những luật lệ của loài sói, bất chấp việc mình là con người. Tuy nhiên, chuyện Mowgli cố gắng hoà nhập với rừng xanh khiến cho Shere Khan – một con hổ Bengal vô cùng tức giận. Để bảo vệ gia đình sói khỏi cơn thịnh nộ của Shere Khan, Mowgli quyết định ra đi để trở về thế giới loài người. Trên đường, cậu bé kết bạn với chú gấu lười nhác Baloo và gặp rất nhiều điều nguy hiểm…
Phiên bản live-action của The Jungle Book được xây dựng đầy thuyết phục, dựa theo câu chuyện vượt thời gian của Rudyard Kipling và nguồn cảm hứng từ bộ phim hoạt hình cùng tên được xếp vào hàng kinh điển. Tất cả những gì xảy ra trên màn ảnh trong suốt thời lượng phim đã thể hiện đúng tinh thần mà đạo diễn Jon Favreau từng tuyên bố khi bắt tay vào dự án: Chúng tôi giữ nguyên những yếu tố thần bí mà Kipling đã viết, thổi chúng vào mọi khía cạnh của bộ phim một cách mạnh dạn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn kế thừa những gì được yêu quý từ The Jungle Book hoạt hình năm 1967, và tất nhiên là cả những chi tiết mang đậm phong cách Disney. The Jungle Book nhanh chóng đạt thành công lớn trên toàn cầu – về mặt chuyên môn lẫn thương mại. Hầu hết ý kiến khen ngợi cho bộ phim về phần kỹ xảo hình ảnh, nhạc nền phim, chỉ đạo đạo diễn, sự trung thành với bộ phim hoạt hình gốc, và phần lồng tiếng, đặc biệt là của Murray, Kingsley và Elba. Phim đã giành chiến thắng ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất tại Giải Oscar lần thứ 89.
4. Big Fish (2003)
Đạo diễn Tim Burton nổi tiếng với phong cách kỳ quái và mặc sắc u ám. Nhưng Big Fish – một trong những bộ phim hay nhất của ông – lại hoàn toàn ngược lại, rất sáng sủa và giàu màu sắc. Big Fish dường như đi ngược lại tất cả những quan điểm nghệ thuật thị giác của Tim Burton, nhưng vì thế, lại càng tô đậm phong cách của vị đạo diễn lạ lùng này. Cảnh sắc phim rực rỡ tới mức siêu thực, khắc họa một miền biên giới mơ hồ giữa thực tế và mộng tưởng.
Chuyện phim kể về hành trình tìm lại tuổi thơ của William Bloom. Như bao đứa trẻ, Will lớn lên trong những câu chuyện cổ tích của người cha nhưng theo thời gian anh không còn tin vào chúng mà ngày càng xa cách với cha. Chỉ đến khi người cha già đã hấp hối, Will mới trở về và một lần nữa sống lại trong những câu chuyện cũ của cha mình và nhận ra, tình yêu vô bờ bến mà ông dành cho cậu.
Big Fish của ông bố Edward cùng con trai Williamdẫn đưa khán giả tham dự cuộc hành trình đến những nơi bình yên, gặp những người hiếu hòa, quen những nhân vật đặc biệt, sống và vui sống để hoàn thành mộng tưởng của riêng mình. Ông bố Edward đã in hình nhân cách trong lòng con trai, lúc kể cho Will nghe những câu chuyện tưởng như huyền thoại, nhưng chính là cảm nghiệm chân tình của ông, khi trải qua từng nỗi thăng trầm được mất của cuộc đời.
5. Once upon a time (2017)
Once upon a time (Dạ Hoa Bạch Thiển) là một bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Tam sinh tam thế thập lý đào hoa của nhà văn Đường Thất Công Tử. Bộ phim có sự tham gia của Lưu Diệc Phi và Dương Dương. Đây còn là phim điện ảnh Trung Quốc đầu tiên áp dụng kỹ thuật quay 3D của siêu phẩm Avatar (2009), phim đã mất một năm cho giai đoạn hậu kỳ.
Bộ phim bắt đầu khi Thanh Khâu nữ đế Bạch Thiển đã phi thăng Thượng thần, được Tứ hải Bát hoang gọi hai tiếng "cô cô". Trước kia Bạch Thiển đã được hứa hôn với Thái tử Thiên tộc Dạ Hoa, từ khi gặp Dạ Hoa ở Đông Hải thủy tinh cung, Bạch Thiển đã đem lòng yêu mến. Nhờ vào đứa con A Ly, Dạ Hoa đã chiếm được tình yêu của Bạch Thiển. Bạch Thiển nhớ ra mình từng là vợ Dạ Hoa, bị Thiên phi Tố Cẩm hại nhảy Tru Tiên Đài, liền đi đòi mắt. Kình Thương phá chuông Đông Hoàng, Dạ Hoa lấy nguyên thần tế chuông, Bạch Thiển đau đớn. Ba năm sau Dạ Hoa hồi phục nguyên thần, nối lại tình duyên với Bạch Thiển.
Độ phức tạp của tiểu thuyết khiến cho "Once upon a time" là cuốn sách rất khó chuyển thể thành phim, thậm chí là không tưởng. Nhưng đạo diễn đã xuất sắc tạo nên một cuộc “cách mạng hình ảnh”, thu về nhiều giải thưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét